Cô bé quàng khăn đỏ và … – Phần 1

Lưu Hải Hà (NuocNga.net)
(Sưu tầm và dịch từ các trang web Nga)

Giá như các nhà văn khác cũng kể chuyện cô bé quàng khăn đỏ nhỉ….

Mikhail Bulgakov (“Trái tim chó”)

Ư-ư-ư-ư-ư-hư-hư-hư-ư! Hãy nhìn tôi đây này, tôi sắp chết cóng mất rồi. Xung quanh là khu rừng tăm tối đáng sợ, và chẳng có một linh hồn sống nào cả.

Ôi, mà cái mạng sườn của tôi mới đau nhức xiết bao. Thật là kinh khủng! Mà tôi có làm gì, có đụng chạm gì đến cái bà lão ấy đâu kia chứ, quỷ bắt bà ấy đi…

Tại sao mà tự dưng bà lão ấy lại đem tôi ra mà trụng nước sôi? Mụ phù thủy già … lại còn mù dở nữa chứ.

Tôi lang thang gần nhà bà lão ấy với hy vọng biết đâu kiếm được cái gì đó lấp đầy dạ dày, các vị biết đấy, cơn đói vốn không thích chờ đợi.

Còn bà lão ấy thì bước ra sân, nhìn tôi bằng con mắt mờ đục của mình và gọi như thế này:

– Meeo, meeo, meo … chắc bà ấy nghĩ là tôi là con mèo. Bà già ngốc nghếch… Tôi đến gần hơn một chút, thế là bà ấy hét toáng lên:

– SOOOÓI!!! và hắt lên người tôi cả nửa xô canh borts, cái thứ canh borts quỷ quái ấy, nóng như nước sôi, còn mùi vị thì mới tệ hại làm sao! Bà ấy định nấu làm thuốc diệt rận chắc?

Vâng, tôi cũng chẳng định che dấu gì cả – tôi định ăn tối bằng bà lão. Chẳng ngon lành gì đâu, tôi nói thật đấy, nhưng tình cảnh của tôi đâu cho phép tôi kén cá chọn canh. Thế còn bà ấy thì dội canh borts vào tôi!

Thôi đi bà lão, cũng phải có lương tâm một chút chứ! Thế mà cũng bày đặt là dân trí thức cơ đấy! Tôi nuốt cái bà ấy, tóm lại là như vậy. Chẳng có gì thú vị, phải nói thật là như thế. Đến bây giờ thấy vẫn còn sôi bụng, không tiêu hóa nổi …

Còn bây giờ … tôi lại trong rừng, chịu cái lạnh giá như thế này đây. Không biết trên đời này còn có sự công bằng nữa không?

ÔI! Ai kia nhỉ? Ai lại bị quỷ ám đi qua rừng trong cái lạnh cắt da như thế này?

Một thân hình bé nhỏ đi trên đường mòn! Một cô bé! Đội mũ đỏ! Trong tay của cô ta là một cái làn lớn. Hay nhỉ, thế cô ta cần cái gì đấy nhỉ?

Cô bé đến gần … Hình như là tôi có biết cô ta. Ồ, tất nhiên rồi! Đó là cháu ngoại của cái bà lão kia! Có lẽ là cô ta đang đi về phía nhà bà ấy. Haha, cô ta cũng thấy tôi và bước lại rất gần.

Thế đấy – chẳng sợ gì! Đứng, vuốt mõm tôi, lại còn nựng nịu nữa:

-Cún xinh … cún ngoan!

Tớ mà là con cún của cậu cái nỗi gì, đồ ngốc? Mà cái gì trong làn mới bốc mùi thơm phức làm sao! Cái gì thế nhỉ?

Bánh rán!!! Nhân thịt!!! Thế mới gọi là sống chứ! Cô nàng đem những thứ ngon lành này cho bà ngoại. Còn bà ngoại sẽ đãi cô bé tội nghiệp cái món canh ôi ấy! Mà không, bà sẽ không đãi đâu…

Này cô bé! Ngoan nào, hãy cho tôi những chiếc bánh rán này đi! Mẹ sẽ còn rán cho cô nữa, còn bà cô thì đâu có cần chúng làm gi! Không kể là bà ấy còn định đãi cô ăn cái thứ ôi thiu ấy! Ối trời ạ bố cô có mà ôm tôi lên tay mà nựng nịu, hôn vào chân trước, vuốt ve cái đuôi tôi vì tôi đã giúp ông ấy thoát khỏi một bà mẹ vợ như vậy! Giá mà cô bé biết, tôi, người vệ sinh viên của khu rừng này phải ăn đủ thứ tởm lợm như thế nào không …

Mà chẳng ai thèm cám ơn tôi gì cả!

Edgar Po

Một khu rừng già ảm đạm, quấn trong một chiếc khăn voan bí ẩn nghiệt ngã. Phía trên khu rừng là những đám mây của những sự bay hơi chứa đầy điềm gở. Dường như ta nghe thấy những âm thanh định mệnh của xiềng xích. Cô bé Khăn Đỏ sống ở bìa khu rừng đó, sống trong một nỗi sợ hãi huyền bí.

E.Heminwei

Người mẹ bước vào nhà, bà đặt một cái làn lên bàn. Trong làn là sữa, bánh mỳ trắng và trứng gà.

– Này, – người mẹ nói.

– Cái gì hả mẹ? Khăn Đỏ hỏi mẹ.

– Những thứ này này, – người mẹ nói, – con đem đến cho bà.

– Cũng được – Khăn Đỏ nói.

– Mà cẩn thận đấy, – người mẹ nói, – Sói.

– Vâng.

Người mẹ nhìn theo cô con gái mà tất cả mọi người đều gọi là Khăn Đỏ, vì cô lúc nào cũng quàng khăn đỏ cả. Người mẹ nhìn Khăn Đỏ bước ra, và khi nhìn theo cô con gái đang rời xa, mẹ nghĩ rằng để con gái đi một mình vào rừng là rất nguy hiểm; và bà lại nghĩ rằng Sói lại bắt đầu xuất hiện ở đó; và nghĩ đến đó, bà cảm thấy rằng bà bắt đầu lo lắng.

Guy de Mopassan
Sói gặp Khăn Đỏ. Chàng nhìn nàng bằng cái nhìn đặc biệt, cái nhìn của một gã Don Juan thành Paris nhìn một cô nàng điệu đà tỉnh lẻ vẫn còn cố làm ra vẻ mình còn ngây thơ trinh bạch. Nhưng chàng tin vào sự trinh bạch ấy không hơn gì nàng, và dường như đã thấy nàng bắt đầu cởi quần áo, thấy những lớp váy của nàng lần lượt rơi xuống và trên người nàng chỉ còn một chiếc váy lót, và dưới lớp váy ấy ẩn hiện những hình dáng ngọt ngào của thân thể nàng.

Victor Huygo

Khăn Đỏ run lên. Nàng chỉ có một mình. Nàng chỉ có một mình đơn độc, như cây kim trong sa mạc, như hạt cát giữa trời sao, như đấu sĩ giữa bầy rắn độc, như một người mộng du trong bếp lò…

Jack London

Nhưng chị là một người con gái xứng đáng của chủng tộc ấy, trong huyết quản của chị là dòng máu mạnh mẽ của những người da trắng chinh phục phương bắc. Vì vậy, chị không hề chớp mắt, mà xông đến Sói, giáng cho Sói một đòn trí mạng và ngay lập tức đệm thêm một cú đấm móc cổ điển nữa. Sói hoảng hốt chạy. Chị nhìn theo Sói và mỉm cười – một nụ cười rất dịu dàng và nữ tính tuyệt vời.

Honore de Balzak

Sói đến gần ngôi nhà nhỏ của bà và gõ vào cánh cửa. Cánh cửa này được một người thợ vô danh nào đó làm vào khoảng giữa thế kỷ 17. Người thợ đã làm nó từ gỗ sồi Canada rất mốt vào thời đó, tạo cho miếng gỗ một kiểu dáng cổ điển và treo nó lên những bản lề sắt. Có lẽ hồi xưa thì những bản lề này cũng tốt lắm đấy, nhưng bây giờ thì kêu cót két kinh khủng. Trên cánh cửa không hề có hoa văn nào cả, chỉ có ở góc phải phía dưới vẫn còn nhìn thấy một vết xước nhỏ. Theo truyền thuyết trong vùng thì đó là vết xước do cựa giày của Selesten de Shavard – tình nhân của Maria Antoanet và anh em họ hàng về phía ngoại của bà của ông của Khăn Đỏ. Ngoài điều đó ra thì đó là một cánh cửa hết sức bình thường, và vì thế chúng ta sẽ không cần thiết phải xem xét cánh cửa ấy kỹ lưỡng hơn.

Oscar Wider

Sói. Xin lỗi, bà không biết tên tôi, nhưng …

Bà ngoại. Ồ, điều đó không quan trọng đâu. Trong giới thượng lưu bây giờ, ai có một cái tên đẹp là kẻ có dòng dõi chẳng ra sao. Tôi có thế giúp gì cậu được?

Sói. Chuyện thế này, thưa bà …Tôi rất tiếc, nhưng tôi đến đây để ăn thịt bà

Bà. Ồ, thật dễ thương. Anh là một chàng trai thật hóm hỉnh.

Sói. Nhưng tôi nói hoàn toàn nghiêm túc đấy.

Bà. Điều đó càng làm cho sự hóm hỉnh của anh độc đáo hơn.

Sói. Tôi rất mừng là bà không để ý nghiêm túc đến điều tôi vừa thông báo với bà.

Bà. Ngày nay mà lại để ý nghiêm túc đến những việc nghiêm túc thì đúng là không sành điệu.

Sói. Thế chúng ta phải để ý nghiêm túc đến những việc gì?

Bà. Tất nhiên là đến những việc ngốc nghếch. Nhưng anh đúng là kẻ không chấp nhận được

Sói. Khi nào thì Sói lại trở nên không chấp nhận được?

Bà. Khi làm người ta phát chán vì những câu hỏi.

Sói. Thế còn phụ nữ?

Bà. Khi không ai có thể làm cho cô ta hiểu chỗ của cô ta ở đâu.

Sói. Bà nghiêm khắc với mình quá.

Bà. Tôi tin vào sự khiêm tốn của cậu.

Sói. Ồ, bà cứ yên tâm. Tôi sẽ không hở với ai một lời nào (nuốt chửng bà)

(từ trong bụng sói). Tiếc thật, cậu vội vã quá. Tôi vừa mới định kể cho cậu một câu chuyện rất đáng suy ngẫm và có tính giáo dục.

Erich Marria Remarque

– Hãy đến bên anh – Sói nói.

Khăn Đỏ rót hai l
y cô nhắc và đến ngồi trên giường của Sói. Họ ngửi hương thơm quen thuộc của
rượu cô nhắc. Trong rượu cô nhắc có nỗi buồn và sự mệt mỏi – nỗi buồn và sự mệt mỏi của hoàng hôn sắp tàn. Cô nhắc như là chính cuộc đời.

– Tất nhiên, – Khăn Đỏ nói. – Chúng ta chẳng còn gì để hy vọng nữa. Em không có tương lai.

Sói im lặng. Anh hoàn toàn đồng ý với nàng.
Umberto Eco

Ngày 16 tháng 8 năm 1968 tôi mua một quyển sách với cái tên “Những truyện cổ tích cho trẻ em và trong gia đình” (Leipsig, nhà in Abel và Muller, 188). Tác giả bản dịch ghi là những anh em nhà Grimm nào đó. Những chú thích lịch sử tương đối nghèo nàn cho biết những dịch giả đã dịch theo đúng bản thảo viết tay thế kỷ XVII. Ông Pero, một thành viên nổi tiếng của Viện Hàn lâm Pháp thế kỷ 17, người đã có đóng góp to lớn trong việc chép sử thời vua Lui XIV, đã tìm thấy bản dịch này trong thư viện của tu viện Melk. Trong trạng thái xúc động tôi đã bị cuốn hút bởi câu truyện cổ tích kinh dị đến nỗi tôi không nhận thấy là tôi đã bắt đầu dịch truyện cổ tích này trong những cuốn vở lớn tuyệt diệu của công ty “Josep Giber”, những cuốn vở này vốn rất thuận tiện cho việc viết sách, đặc biệt nếu bút đủ mềm. Có lẽ người đọc đã hiểu rằng tôi đang nói về “Khăn Đỏ”.

Gabriel Garcia Marques
Nhiều năm sẽ trôi qua, và khi Sói đứng dựa vào bức tường chờ đợi phát súng bắn vào tim, anh sẽ nhớ lại buổi chiều xa xôi ấy, khi mà Bà ăn cái bánh ga tô với lượng thạch tín đủ để đầu độc một bầy chuột cống. Nhưng Bà vẫn tiếp tục hành hạ cây đàn dương cầm, và hát đến tận nửa đêm, như là không có chuyện gì xảy ra. Hai tuần sau thì Sói và Khăn Đỏ tìm cách gây nổ trong căn lều của bà cụ không chịu đựng nổi này. Họ căng thẳng đến thót tim nhìn ngọn lửa xanh từ từ bò theo dây dẫn đến khối thuốc nổ. Cả hai bịt tai lại, nhưng thật là uổng công, vì không có tiếng nổ nào cả. Khi mà Khăn Đỏ đủ can đảm đi vào trong lều, hy vọng thấy xác của Bà, thì nàng thấy trong lều vẫn ngập tràn sự sống: Bà mặc một chiếc áo rách và bộ tóc giả cháy dở chạy thoăn thoắt trong lều và dùng cái chăn để dập lửa.
Mikhail Zoshenko

Sói thở ra phì phò, lấy tay áo chùi cằm rồi bắt đầu kể:

– Các anh em biết đấy, tớ không thích các ả đội mũ tý nào. Nếu như cô ả mà đội mũ, hay là tay cầm một cái làn ấy, thì trông rất là chảnh chọe, và lúc ấy đối với tớ cô ả không còn là phụ nữ nữa mà chỉ còn là cái chỗ trống không. Có một lần tớ gặp một ả như thế trong rừng. Tớ nhìn, thấy một mụ đang đứng, và tuôn ra toàn bộ hệ tư tưởng ý thức hệ của mình. Và tớ quyết định quay cái mặt trịnh trọng đúng nghi thức về phía ả này và bắt đầu dò hỏi. Thế đấy, nữ công dân, mọi chuyện thế nào? Về việc phù phép cái đường ống dẫn nước và nhà vệ sinh ấy mà. Kết quả phù phép tốt chứ?

Stiven King
Hoàng đế SỢ HÃI túm lấy bà ngoại mặc dù biết rằng trong khách sạn không chỉ có một mình bà. Những bức tường cao cũ kỹ buông xuống đe dọa, nhấn mạnh rằng sự kết thúc đáng sợ là điều không thể tránh khỏi. Bóng đen lại thoáng qua…

– Đây là sự trả giá – ai đó thầm thì bên cạnh, sau lưng bà.

Bà quay lại và chìa tay về phía trước… <Thật là làm vỡ kính đúng lúc, vào đúng hôm nay, khi mà mình bị mất ngủ chứ>, bà cay đắng nghĩ.

– Ai ở đây – bà hỏi, giọng gần như tự tin.

– Chỉ có máu con chiên mới cứu được chúng ta! – giọng nói thì thầm đã ở ngay trên tai bà.

Tiếng búa rít lên độc ác xé nát không khí.

Dal Carnegy

Tất nhiên là không nhất thiết phải đội mũ đỏ để có thể sống sót sau khi đã gặp sói. Bất kỳ một cô bé nào, đặc biệt là ở nông thôn, đều quen biết những người thợ săn. Tuy nhiên nếu như cô bé lại đội trên đầu một cái mũ của chú hề thay cho chiếc mũ đỏ cẩn thận, cũng như nếu cô bé lại tặng những người xung quanh những cái tát và cười nhạo thay vì những chiếc bánh rán ngon lành, thì chưa chắc gì đã có ai chạy đến giúp khi cô bé kêu. Vì thật ra thì bà cũng kêu khi chết trong hàm răng của con sói khát máu. Nhưng số phận của một bà lão già lại luôn luôn cau có chẳng làm bận tâm ai trong rừng.

Và tất nhiên không chỉ có những người đi săn – bất kỳ một Sói nào cũng có thể bị sức mạnh của sự quyến rũ khuất phục

Các bạn cứ thử nghĩ xem, tại sao Sói lại không kết liễu cô bé ngay lập tức, mà lại bắt đầu bằng bà? Không lẽ không phải là vì Sói muốn nghe giọng nói vui vẻ cua Khăn Đỏ thêm một lần nữa? Giọng nói của một sinh vật duy nhất không làm Sói sợ khi gặp mặt. Giá như Khăn Đỏ vẫn tiếp tục bình tĩnh, thì có khi Khăn Đỏ chẳng cần sự giúp đỡ nào của các bác thợ săn. Nhưng Khăn Đỏ đã sợ hãi kêu lê
n, và Sói hiểu rằng Khăn Đỏ chỉ coi Sói như
một con vật khát máu.

Bạn hãy cố gắng trước hết nhìn thấy những nét tốt đẹp của người đối thoại với bạn, và bạn sẽ có thể không quan tâm đến chế độ làm việc của những người thợ săn.

Grigory Oster

Một con Sói xám có thể tích dạ dày bằng 2 kg, chạy loăng quăng trong một khu rừng tối để tìm thức ăn. Có lần sói gặp may lớn. Không những Sói gặp một cô bé Khăn Đỏ đi một mình trong rừng với một cái làn có dung tích 15 lít chứa đầy bánh rán nhân thịt, Sói lại còn khôn khéo biết được bà của cô bé sống ở đâu. Bằng một cái nhìn đầy kinh nghiệm Sói xác định ngay lập tức được khối lượng của Khăn Đỏ tội nghiệp – 45 kg. Hỏi bây giờ Sói có đủ thức ăn cho bao nhiêu ngày, nếu biết rằng Sói phải làm đầy dạ dày của mình mỗi ngày 3 lần, còn bà thì có khối lượng lớn hơn Khăn Đỏ 2 lần?
Nhicolai Gogol
Trong những ngày u ám thì khu rừng của chúng ta thật là vô cùng rộng lớn và ảm đạm. Hiếm có cô bé đội mũ nào có thể đến được giữa rừng, ngoại trừ những chiếc mũ đỏ nhất. Nhưng giá mà có đến được thì Mũ đỏ sẽ gặp Sói ngay lập tức.

– Sói, sói! Anh chạy đi đâu trong khu rừng vô tận này? – Không có tiếng trả lời…
Ilf và Petrov

Vào lúc 11 giờ rưỡi một cô gái trẻ khoảng chừng hai mươi tám tuổi đi từ phía làng Chmaorovka đi theo hướng tây bắc vào thành phố Stargorod. Chạy sau lưng cô là một con Sói Xám vô gia cư.

-Cô ơi! – sói kêu lên vui vẻ. – cho một chiếc bánh rán đi!

Cô gái lấy từ trong túi áo ra một quả táo dầm và đưa cho kẻ lang thang kia, nhưng hắn không chịu dừng bước. Lúc đó cô gái dừng lại, nhìn Sói rất mỉa mai và thốt lên:

– Thế nào, hay là tớ đưa cho cậu cả chìa khóa phòng ngủ của bà ngoại nhé?

Sói thấu hiểu sự vô căn cứ của những đòi hỏi của mình và quay đi ngay lập tức.

Rable
Trong rừng Sói nói chuyện với Khăn Đỏ, và hỏi thăm, cô bé là người vùng nào và đang định tới đâu. Khăn Đỏ trả lời:

– Thưa ngài! Cháu là người vùng Xen-Znu ở vùng Berri. Cháu đến thăm Bà ngoại, ở Xen-Xebastian, gần Natta ấy, và thỉnh thoảng lại nghỉ một chút.

– Thế đấy, – Sói nói. – Thế tại sao cô bé lại đến Xen-Xebastian?

– Cháu tới đó chỉ có một mục đích duy nhất là đem bánh rán đến cho Bà, để bà ăn khỏi đói ạ.

– Cái gì? – Sói thét lên. Đó là những người bà giả mạo tung ra những thứ mê tín như thế đấy hả? Điều này cũng giống như trong các tác phẩm bất hủ của Homer thì Apollon gieo rắc bệnh dịch xuống quân đội Hy lạp, còn các nhà thơ khác thì ngồi bịa ra một đống các Veiovis và những người họ hàng độc ác. Cũng như ở Sina một gã giả đạo đức nào đó lại đi dạy dỗ rằng thánh Antoni thì dùng lửa đốt, thánh Evpatori thì gieo rắc bệnh водянку, thánh Gilda – bệnh điên, còn thánh Znu – …
Alekxandra Marinina

Naxchia Kamenskaya trầm ngâm uống cà phê

– Tùy cậu thôi, Yur, nhưng tớ không thích kiểu xử sự của cái bà lão ấy. Cậu cứ nghĩ xem: một bà lão sống lặng lẽ như chuột, chả có vấn đề gì. Nhưng bà ấy vừa mới để cho cô cháu gái đứng tên căn nhà, thế là ngay lập tức xuất hiện người viếng thăm bí ẩn, và bà lão thay đổi mọi thứ 180 độ, cả cách sống lẫn bề ngoài!

– Thế có chắc chắn là có cái anh chàng viếng thăm ấy chứ? – Korotkov hỏi.

– Có chứ, những người hàng xóm nhớ vậy mà. Khi Misanha của chúng ta hỏi thăm họ về việc cô cháu gái biến mất, thì mấy người hàng xóm nói rằng ban đêm họ nghe thấy có người gõ cửa nhà bà lão, và bà ấy trả lời: “Kéo cái dây ấy, cửa sẽ mở ra!”. Và từ cái đêm ấy thì cái bà lão này bắt đầu bước đi mạnh hơn, đêm thì tru trăng, thậm chí còn sủa nữa. Rồi thì không cho hàng xóm tới chơi thăm hỏi gì. Còn những người đã nhìn thấy bà ấy qua cửa sổ thì nhận thấy rằng cái mặt bà ấy dưới cái khăn choàng quen thuộc tự dưng có nhiều lông hơn.

– Cũng có thể đó là rối loạn hoóc môn do lương tâm không trong sạch, – Leskov xen vào. – Chúng ta đã gặp chuyện tương tự với người thầy giáo, các bạn nhớ chuyện hai anh em sinh đôi chứ?

– Ừ, cũng có thể – Naxchia thở dài và hút thuốc. – Nhưng mà lại còn có câu hỏi thế này: giấy tờ của cô cháu gái là giấy tờ giả! Bà lão thì cho biết một cái địa chỉ mà cái cô cháu gái ấy chưa sống ở đấy bao giờ, cả thường trú lẫn tạm trú. Cả những số liệu hộ chiếu cũng giả nốt.

Như vậy, có thể coi rằng ta đã chứng minh được rằng trên đời này không tồn tại cô cháu gái nào cả. Câu hỏi tiếp theo: thế người bà thì có tồn tại không?

—-
(còn tiếp)

4 thoughts on “Cô bé quàng khăn đỏ và … – Phần 1

  1. Em ủng hộ văn học trên blog chị, thỉnh thoảng chị giới thiệu tác phẩm nào hay và mới của Nga lên cho mọi người biết. Hoặc giới thiệu mất cái nào ngắn ngắn hay hay mà dễ dễ để em tập dịch :D. Chứ đọc tin tức mãi chán lắm

  2. Hehe, tối qua không để ý là phần sau bị cắt :), chắc tại quá dài. Thôi để ta chia bài này ra làm 2 phần cho nó sành điệu

  3. Tự dưng làm một … nghiên cứu nho nhỏ về bản dịch này (mình cũng cảm thấy bản dịch rất hay:)). Kết quả là tìm thấy 30 trang web có đăng một phần hoặc toàn bộ, tất nhiên không trang nào ghi tên người dịch tội nghiệp :). Nhưng điều còn thú vị hơn là các độc giả của chừng ấy trang web hầu như không phản hồi gì! Chỉ có 2 độc giả của trang http://www.class12a1.net/forum là có phản hồi, nhưng cũng không có gì … thú vị cho dịch giả :), nhất là khi một trong hai phản hồi đó thì viết “khủng khiếp thay là sự tưởng tượng của con người. nhưng sao lại như thế nhỉ? những nhà văn nổi tiếng, những nhân vật của thời đại sao lại có thể đem ra làm trò đùa như thế?”

    Có lẽ người dịch nên cười 🙂

Leave a reply to Nina Cancel reply