Sergei Lemeshev – phần 1

Mình hứa với phucphan và Yes_Iam_Here dịch bài viết này về Lemeshev từ trước Tết, thế nhưng rồi …

Thôi xong đoạn nào mình cứ đưa tạm lên đây, cho có hứng thú dịch tiếp :), chừng nào xong sẽ đưa tất cả lên NCD 🙂

Sergei Yakovlevich Lemeshev: Сергей Яковлевич Лемешев (1902 – 1977) – NSND Xô Viết

Image Hosted by ImageShack.us

Nghệ thuật của Lemeshev – đó là nghệ thuật tươi sáng, yêu đời, đó là nghệ thuật gọi ta đến với cuộc sống, làm cho con người trong sạch hơn, gọi nên trong tâm hồn con người tất cả những rung động tốt đẹp nhất của trái tim. Có những con người mà đến cả cái chết cũng phải bất lực trước họ, – những con người ấy ở lại mãi mãi với chúng ta. Giọng hát của ông, được ghi lại trên băng từ sẽ còn mãi vang lên, đem lại cho chúng ta niềm vui to lớn. Nhưng ngoài những bản ghi ấy còn cả ký ức trái tim của cả dân tộc. Và trong ký tức ấy sẽ luôn luôn có vị trí trang trọng dành cho ông.

E.Svetlanov
Tài năng thiên phú của Sergei Lemeshev hoàn toàn là tài năng lãng mạn – trong sự phối hợp hài hòa giữa chất giọng và vẻ ngoài, với sự tự nhiên của những chuyển động tâm hồn. Và cùng với điều đó là dấu ấn của tính cách dân gian Nga. Con trai của những người nông dân một làng quê nghèo Staroie Knyazevo ẩn nấp đâu đó trong những cánh rừng rậm của tỉnh Tversk, chàng thanh niên tóc vàng trẻ trung, gần như một cậu bé, với đôi mắt xanh, nụ cười quyến rũ, nhút nhát, nhưng có óc hài hước – Lemeshev là như thế lúc đến Matxcơva tìm số phận ca hát của mình. Và Lemeshev đã chinh phục hội đồng thi tuyển nghiêm khắc của nhạc viện không phải bằng giọng hát khỏe, hay là âm vực rộng, mà bằng sự độc đáo hiếm có của giọng hát, sự biểu cảm của âm sắc, trong đó có thể nghe thấy cả “sự thoáng đãng” của âm điệu dân gian Nga, sự thân thuộc của âm ngực mềm mại, và cả “nỗi buồn Nga, và đôi khi thì cả sự vui vẻ của khúc hát dân gian Nga với trống lục lạc

Tất nhiên, giọng nam cao trữ tình tự thân mình phải nghiêng về việc thể hiện mùa xuân của cuộc sống, những thăng hoa đầu tiên của tình cảm, tuổi trẻ. Nhưng không phải ca sĩ nào cũng có thể truyền đạt những màu sắc đó với sự thuyết phục và chân thành như Lemeshev đã làm được. Chính quà tặng quý giá này của cuộc đời đã cho phép ông thể hiện trên sân khấu suốt cả đời mình hình tượng gần gũi nhất, hình tượng yêu quý nhất của ông – hình tượng Lensky. Năm 1925 chàng ca sĩ trẻ tuổi được K.S.Stanislavsky động viên khi lần đầu tiên bước ra sân khấu trong vai Lensky, còn vào năm 1972 thì ông đóng vai này lần thứ 501 và cuối cùng, khi ông đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70. Trong nhân vật của ông có sự mơ mộng dịu dàng, và sự lãng mạn đam mê của một tâm hồn ngây thơ trong sáng, sự nóng giận bốc lửa và sự cả tin, sự đỏng đảnh và dễ cảm thấy bị xúc phạm gần như là của trẻ con. Và điều quan trọng nhất, là tất cả những điều đó được biểu lộ tự nhiên đến nỗi ta cảm thấy rằng – Lensky chính là như thế, Lensky không thể nào khác được.

Trong âm sắc giọng Lemeshev thể hiện sự lãng mạn của tâm hồn ông, tình cảm thơ mộng, giản dị, chân thành, ấm áp và tự nhiên đến ngạc nhiên. Trong sự thể hiện của ông không hề có sự quá đà, hay sự cố gắng tác động lên khán giả bằng những hiệu ứng bên ngoài nào đó, hay là việc cố tình ngân dài một nốt cao (fermata). Với tất cả sự truyền cảm của giọng hát, nhưng ông luôn luôn giữ được cảm giác điều tiết tuyệt vời, sự tế nhị nghệ thuật bẩm sinh, những gì giúp ông tránh được sự điệu bộ màu mè, những cảm xúc quá lố cả trong lĩnh vực thanh nhạc cũng như trong diễn xuất trên sân khấu. Trong tài năng của Lemeshev có một điểm luôn quyến rũ – đó là sự hài hòa kỳ lạ, như một ánh sáng của tâm hồn và tính cách phóng khoáng, những điều này được thể hiện qua nụ cười, ánh mắt, và khiến ta kinh ngạc vì sự tự nhiên và trong sáng của chúng.

Không phải ngẫu nhiên mà khi nhắc đến Lemeshev nhiều người nhớ đến Pushkin, Tourgenev, Bunin, Esenin. Sự cảm thụ thơ mộng về thế giới xung quanh đã thấm vào máu của ca sĩ từ thời thơ ấu, được nuôi dưỡng bởi tiếng rì rào êm ả của rừng, những khoảng không gian bao la của đồng cỏ, con sông nhỏ Tma phẳng lặng, những chuyến đi đầy bí ẩn khi đêm xuống, và tất nhiên là cả những bài hát nữa. Là người sở hữu một âm sắc đầy quyến rũ, Lemeshev còn được tạo hóa ban cho tài thi sĩ thật sự, khả năng hiếm có làm nâng cao tâm hồn của những người nghe, dẫu chỉ trong một khoảnh khắc làm cho tâm hồn họ trong sáng hơn, hiền diệu hơn, và chính vì thế mà ông có một vị trí vững chắc trong trí nhớ dân gian. Bởi vì không có gì được con người, dẫu họ là ai đi nữa, đánh giá cao hơn lòng bao dung đích thực, sự trong sáng của tâm hồn và trí tuệ.

Trong danh mục các tác phẩm mà Lemeshev biểu diễn một vị trí quan trọng thuộc về các romance của M.I.Glinka. Trong thanh nhạc thính phòng đôi khi sự tuyên bố hùng tráng chiếm ưu thế, trong một số trư
ng hợp
khác thì vai trò quan trọng lại thuộc về hình tượng âm thanh hoàn thiện. Tuy nhiên trong những ví dụ hoàn thiện nhất của thanh nhạc cổ điển người ta luôn thấy sự cân bằng đến kinh ngạc giữa thơ ca và âm nhạc. Điều này cũng là nét đặc trưng trong những tác phẩm hay nhất của Glinka. Có lẽ nhà soạn nhạc Nga vĩ đại chỉ có thể so sánh với Mozart về sự cổ điển nghiêm ngặt của hình thức âm nhạc mà ông hiểu là “sự tương xứng của các phần để tạo nên một thứ cân đối toàn vẹn”. Âm nhạc Glinka không chấp nhận những cảm xúc quá lố, và cũng trong khi đó thì âm nhạc lại tràn đầy tình cảm, và giai điệu giàu có ngân nga lại hoàn toàn không tách rời khỏi lời thơ. Những bản romance phổ thơ Pushkin của Glinka – đó là ví dụ sự đồng cảm tài tình của nhà soạn nhạc với thi ca của Pushkin. Người hát những bản romance của Glinka phải có kỹ thuật thanh nhạc hoàn thiện, nhưng anh ta cũng phải biết sử dụng kỹ thuật thanh nhạc một cách có ý thức, và phải có vốn văn hóa, điều này cần thiết để có thể “mặc” cảm xúc vào “cái áo” – định dạng âm nhạc chính xác, mà lại không phá vỡ sự cân đối giữa các phần bằng sự biểu lộ thái quá, nhưng lại phải mở ra được toàn bộ chiều sâu âm nhạc, những sắc thái tâm lý tinh tế nhất. Những bản thu âm romance Glinka của Lemeshev quyến rũ người nghe bởi sự giản dị, cảm thụ tinh tế với hình thức giai điệu, chuyển động nhịp nhàng, và những cao trào mãnh liệt. Lemeshev hát những romance của Glinks với sự tôn trọng cao độ tới người tạo ra chúng, không hề lùi khỏi nhịp nghiêm ngặt, không phá vỡ định dạng thức lý tưởng của âm nhạc, thận trọng đưa đến người nghe giai điệu трепетную duyên dáng, từng từ của thi sĩ.

Theo các bài báo của E. Grosheva

Phần 2 : LEMESHEV NÓI VỀ GLINKA

Tên lửa Nga sẽ bay lên từ xích đạo


Vyacheslav Dukhin (Vesti)

Thu Phong (NuocNga.net) dịch

//www.energia.ru/

Gần như chắc chắn tại Guyane Française xích đạo sẽ xây dựng tổ hợp phóng cho các tên lửa Nga “Soyuz”. Vị trí sân bay vũ trụ Kourou sẽ cho phép Nga đưa lên quỹ đạo các vệ tinh có khối lượng lớn hơn nhiều so với hiện nay.

Vào ngày thứ hai 26/2 tại sân bay vũ trụ Kourou sẽ diễn ra một nghi lễ quan trọng bậc nhất. Đó là sân bay vũ trụ đã được Pháp sử dụng vài chục năm. Cho tới ngày nay mới chỉ có các tên lửa “Ariane” của Pháp khởi hành từ sân bay vũ trụ này. Bây giờ ở đây sẽ có thêm một khu vực khởi hành nữa – nhưng dành cho các tên lửa “Soyuz” của Nga. Đây là một sự kiện lịch sử và hết sức quan trọng.

Sân bay vũ trụ Kourou là một sân bay vũ trụ có một không hai – đó là sân bay vũ trụ duy nhất trên thế giới nằm tại vùng xích đạo (05° 09′ 35″ độ vĩ bắc). Sân bay vũ trụ Kourou tạo những khả năng hiếm có cho việc phóng tên lửa – tên lửa có thể đem theo trọng lượng có ích nhiều hơn, và có thể đưa vệ tinh gần như lên bất kỳ quỹ đạo nào. Điều này mở ra những khả năng cho một số lượng phóng tên lửa lớn, trong đó có cả các lần phóng thương mại.

Ông Viktor Remeshevsky, người đứng đầu Hãng Vũ trụ Liên bang kể về ý nghĩa của dự án này đối với nước Nga và các ưu thế chủ yếu của dự án này: “Chúng ta sẽ cung cấp tên lửa. Điều này sẽ cho chúng ta có những đơn đặt hàng trong các lĩnh vực của chúng ta. Chúng tôi đã thỏa thuận mỗi năm sẽ có hai, bốn lần phóng. Và chúng tôi sẽ tiến hành không dưới 50 lần phóng tên lửa từ sân bay vũ trụ Kourou”.

Việc xây dựng sân khởi hành cho các tên lửa “Soyuz” của Nga hiện đang ở trong giai đoạn quyết định. Dự tính rằng công việc này sẽ kết thúc trong năm tới, và lần phóng tên lửa đầu tiên sẽ được thực hiện vào tháng 12/2008. Sân khởi hành này sẽ nằm cách sân khởi hành hiện có dành cho tên lửa “Ariane-5” của Pháp khoảng 10km – để cho dù có sự cố nào đi nữa thì tên lửa này cũng không thể gây hại cho tên lửa kia. Mặc dù cả phía Pháp cũng như phía Nga đều không mong đợi gì những tình huống xấu. Ngược lại, tất cả đều cho rằng đó là một dự án thuận lợi và có lợi cho cả hai phía.

Và cuối cùng là một tình tiết thú vị: trong lúc tiến hành lễ khánh thành trọng thể giai đoạn quyết định của công trình xây dựng thì một viên đá từ sân bay vũ trụ Baikonur, lấy từ chuyến bay của Gagarin sẽ được đặt móng ở đây. Như vậy, sân bay vũ trụ Kourou sẽ có thể trở thành sân bay thân thuộc đối với các tên lửa Nga.