Mùa lá rụng của Olga Berggolts

Đây là một bài thơ rất quen thuộc với độc giả Việt Nam qua bản dịch của Bằng Việt với tên gọi “Tránh đừng đụng vào cây mùa lá rụng”.

Tuy nhiên, Nina nghĩ rằng bản dịch của nhà thơ Bằng Việt, hay thì hay thật, nhưng quá khác so với bản gốc 🙂

Nhân có bác Butgai khởi xướng, Nina dịch lại bài này như sau

Mùa lá rụng – листопад. Ảnh: http://www.sciam.ru/
Olga Berggolts

Mùa lá rụng

Mùa thu ở Matxcơva trên các đại lộ
người ta thường treo những tấm biển
với dòng chữ
“Thận trọng nhé, mùa này lá rụng!”

Mùa thu, mùa thu! Trên Matxcơva
Những con sếu, màn sương mù và khói
Những khu vườn đang cháy trong chiều tối
Bằng tán lá vàng rực rỡ trong hoàng hôn
Và những tấm biển trên bao đại lộ
Nói với mọi người qua lại nơi đây
Đi một mình, hay đang tay trong tay
“Thận trọng nhé, mùa này lá rụng!”

Ôi con tim tôi, sao quá chừng đơn độc
Trong con phố này quá xa lạ, lạnh lùng
Buổi chiều đang dạo bước mông lung
Ngang cửa sổ, giật mình khi mưa xuống
Tôi ở đây một mình vì ai nhỉ
Tôi quý mến ai, ai vui lúc gặp tôi?
Sao bỗng dưng tôi lại nhớ mấy lời:
“Thận trọng nhé, mùa này lá rụng”?

Khi tôi đã không cần điều gì nữa
Thì tức là có gì để mất đâu:
Chẳng là người thương, thân thuộc với nhau
Thậm chí cũng chẳng phải là bạn nữa.
Nhưng sao lòng tôi nỗi buồn chất chứa,
Vì chúng ta vĩnh viễn chia tay
Hỡi con người không vui một mảy may
Không hạnh phúc, và chắc là đơn độc?

Nụ cười nhạo báng, hay chỉ không cẩn trọng?
Cứ chịu đựng đi, mọi chuyện sẽ qua thôi…
Không – đáng sợ hơn mọi thứ trên đời
Là sự dịu dàng khi chia tay, như mưa trút
Cơn mưa rào tối đen, ấm áp
Chỉ rực sáng lên rồi run rẩy mà thôi!
Hãy hạnh phúc, hãy vui vẻ bạn ơi
Khi chia tay, như cơn mưa này vậy.

… Tôi một mình cất bước ra ga
Và từ chối mọi người đưa tiễn.
Tôi chưa kịp nói cho anh mọi chuyện
Nhưng bây giờ chẳng cần phải nói thêm.
Giờ màn đêm đã đầy trong ngõ nhỏ
Những tấm biển vẫn nhắc nhở người ta
Nhắc những người đơn độc đang lại qua
“Thận trọng nhé, mùa này lá rụng”…
1938

Ольга Берггольц

ЛИСТОПАД

Осенью в Москве на бульварах
вывешивают дощечки
с надписью

“Осторожно, листопад!”

Осень, осень! Над Москвою
Журавли, туман и дым.
Златосумрачной листвою
Загораются сады.
И дощечки на бульварах
всем прохожим говорят,
одиночкам или парам:
“Осторожно, листопад!”

О, как сердцу одиноко
в переулочке чужом!
Вечер бродит мимо окон,
вздрагивая под дождем.
Для кого же здесь одна я,
кто мне дорог, кто мне рад?
Почему припоминаю:
“Осторожно, листопад”?

Ничего не нужно было,-
значит, нечего терять:
даже близким, даже милым,
даже другом не назвать.
Почему же мне тоскливо,
что прощаемся навек,
Невеселый, несчастливый,
одинокий человек?

Что усмешки, что небрежность?
Перетерпишь, переждешь…
Нет – всего страшнее нежность
на прощание, как дождь.
Темный ливень, теплый ливень
весь – сверкание и дрожь!
Будь веселым, будь счастливым
на прощание, как дождь.

…Я одна пойду к вокзалу,
провожатым откажу.
Я не все тебе сказала,
но теперь уж не скажу.
Переулок полон ночью,
а дощечки говорят
проходящим одиночкам:
“Осторожно, листопад”…
1938

9 thoughts on “Mùa lá rụng của Olga Berggolts

  1. Mình không biết tiếng Nga, đọc bài bác Bằng Việt dịch thấy cũng hay, bây giờ mới biết có nhiều ý chưa sát. Cảm ơn Nina 🙂

  2. Ồ, cám ơn các bạn đã động viên. Thật sự mình rất tôn trọng bác Bằng Việt, và nói chung nhiều thế hệ người VN yêu thơ Nga nói chung, thơ Olga Berggolts nhờ bản dịch của bác ấy. Nhưng nói chung là bác Bằng Việt rất … thoáng trong khi dịch. Mình thì thích … sát nghĩa hơn một chút. Còn bản dịch này của mình thì chính mình cũng thấy thích 🙂

    Cám ơn bạn Footprints và bạn Dung, cùng tất cả các bạn đã động viên mình nhé. Nina

  3. Ôi, Nina rất cám ơn những dòng tâm tình của bác Geroi…Nina đã từng học ở Nga, nhưng cũng lâu rồi. Còn Đec-gia-vin (Державин) thì đúng là người đã .. ban phước (chữ này lủng củng quá), đại khái ông đã phát hiện ra tài năng của Pushkin và tương lớn của thi sĩ trẻ, và điều này đã là nguồn động viên lớn đối với Pushkin. Sau này Pushkin đã viết về sự kiện này trong “Evgeny Onegin”

    Старик Державин нас заметил
    И, в гроб сходя, благословил…

    Bản thân Đec-gia-vin cũng là một nhà thơ khá là thú vị, mặc dù bây giờ người ta có thể nhận xét là thơ ông dùng nhiều hình ảnh cổ, từ ngữ long trọng theo kiểu cổ (thì hồi đó model nó thế mà). Để ngày nào đó Nina cùng với bạn bè xin giới thiệu ông.

  4. Yahoo dạo này kỳ lắm, vừa post, mà hung lên, may đã coppy lại. Giờ post lại nè. Nó sẽ ào ra hai bản cho mà xem. Nếu thế thì Nina delete bớt hộ tôi nhé.

    Ôi thì ra những gì tôi đọc được từ lâu lắm rồi đều rất thú vị. Câu chuyện về Đec-gia-vin là một ví dụ (Ông cổ là đúng thôi, vì khi Puskin còn là cậu bé, ông đã là cây đại thụ của “Thi đàn quý tộc Nga” mà). Hay cuốn “Một tổ quý tộc” của Trê-khốp (phiên âm kiểu ấy!), rất hay.

    Hầu hết tôi đọc được từ các xuất bản phẩm của Hội nhà văn mà đến nay, giấy đã mủn hết, tên thì toàn phiên âm, phải nhờ Dung tìm lại nguyên bản hộ. Nhân tiện, Dung là một tay… khá lắm đó, “bụng” đầy chữ. Tuy nhiên, chưa “sắp xếp” được hay sao đó, nên đọc rất… mệt, như của một triết gia xịn (?) ý, nhưng nếu dụng công đọc thì thấy thú vị lắm.

    Cám ơn Nina nhé. Mà tôi cũng có bằng cử nhân (hệ tại chức) Nga văn đấy, của Đại học sư phạm Ngoại ngữ từ năm 1987, khi họ mở lớp cho giáo viên Học viện Kỹ thuật Quân sự. Nhưng… quên sạch rồi! He he…

  5. Nhân đọc blog bên Opera của Dung, thấy trỏ sang đây nên ghé thăm… Thấy bài dịch này cũng hay. Hay nữa là bao giờ cũng có bản gốc bên cạnh, rất khoa học. Tôi chỉ học Nga văn trong nước, rồi… quên tiệt.

    Trước hay đọc Puskin qua bản dịch của Thúy Toàn, ví dụ “Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu/Trước mắt anh em bỗng hiện lên”… Một bài thơ tinh khôi và hay. Tôi rất ấn tượng với Puskin về câu chuyện khi còn là cậu học trò trung học, trong một cuộc thi thơ, đã có bài “Những kỷ niệm Hoàng Thôn” (thấy người ta dịch đâu đó ra thế?. Bài thơ hay đến nỗi Đec-gia-vin -rất tiếc là tôi thường chỉ có tên đã phiên âm vậy, theo sách in những năm 70 của thế kỷ XX- bậc thầy thơ Nga đương thời, lúc này đã 80 tuổi, trong ban giám khảo, đã phải nghiêng mình kính nể. Và sau đó, ông đã tặng chàng trai trẻ Puskin tập thơ của mình, tự tay ghi dòng chữ đầy phấn khích (ở lứa tuổi ông): “Thầy chiến bại tăng trò chiến thắng”- Ký tên: Đéc-gia-vin! Cám ơn Nina, xin lỗi vì đã… “rông rài”. Chắc bạn đang học ở Nga và yêu văn học Nga lắm?

  6. Ồ, đúng là thế thì phải cám ơn …Yahoo, bạn Dung và số phận 🙂 đã đưa bác Geroi đến cái blog của em. Hihi, khi học tiếng Nga thì nhiều lúc thấy phiên âm cũ hơi buồn cười, nhưng nếu ta đã quen, và đã yêu kiểu phiên âm đó … Chính vì vậy nhiều lúc em vẫn dùng kiểu phiên âm cũ, tuy nhiên đôi khi thì ghi kiểu phiên âm mới để người đọc có thể tìm thông tin về các tác giả bằng tiếng Anh dễ dàng hơn thôi.

    Theo ý kiến em thì trong thế kỷ XX, văn học Nga có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội Việt Nam nói chung và văn học Việt Nam nói riêng. Tất nhiên là ảnh hưởng lớn này chắc chắn có gợi nên tâm lý phản kháng ở một số cá nhân. Và sau đó, khi những biến động xã hội đã làm đảo lộn thang giá trị, thì trong xã hội Việt Nam hiện đại lại xuất hiện xu hướng phủ nhận – phủ nhận là hợp mốt mà. Điều này khiến cho hiện nay văn học Nga được biết đến ở Việt Nam rất ít, quá ít so với trước đây…

    Mặc dù vậy, bởi vì văn học Nga là một nền văn học lớn, có giá trị thực sự nên em tin chắc là nó sẽ tìm lại được vị trí của mình ở Việt Nam thôi. Nhất là khi vẫn còn nhiều người yêu mến nó, phải không bác?

  7. Nước Nga, suy cho cùng, có một nền văn hóa khổng lồ, một nền khoa học kỹ thuật và khoa học cơ bản cũng khổng lồ không kém… Tuy nhiên, qua từng giai đoạn, theo sự thăng trầm của kinh tế, chính trị (mà có vẻ trầm nhiều hơn thăng, so với Anh, Mỹ…) mà giá trị văn hóa, khoa học… của Nga bị mai một đi ít nhiều… Một mai, khi xã hội phát triển trở lại, chắc rằng việc phục hồi lại giá trị Nga sẽ là đương nhiên, như nó vốn có thôi, phải không Nina?

  8. Vâng, em cũng nghĩ rằng những giá trị đích thực rồi sẽ tìm được chỗ đứng của mình. Mặc dù bây giờ hình như đang là thời của các giá trị ảo lên ngôi, nhưng có lẽ là cân bằng rồi sẽ phục hồi thôi. Vì thời gian luôn luôn là thước đo giá trị tuyệt vời nhất. Chỉ có điều – không biết khi đó là khi nào …

Leave a comment