Opera và …đồ uống

Bài này thật ra là để chào mừng ngày 1 tháng 4 🙂 Chả nhớ mình lượm lặt xào nấu từ những chỗ nào nữa, keke

‘Tenor anh hùng”. Tranh của Gustave Doré

Tất nhiên là nếu bạn muốn tìm hiểu opera một cách thực sự, thì bạn nên đến nhà hát! Bởi vì các kiểu CD, DVD hay thậm chí cả truyền hình trực tiếp từ nhà hát cũng sẽ không thể thay thế được việc xem opera trong nhà hát. Nói đơn giản thì giống như ẩm thực vậy – trên ảnh, DVD, TV bạn có thể thấy mọi giai đoạn chuẩn bị đồ ăn một cách rõ ràng nhất (kể cả những đoạn quay chậm), có thể ghi lại cả công thức nấu ăn (đầu tiên chúng ta lấy một ít sò huyết còn sống nguyên vừa mới bắt…), nhưng trong miệng của bạn thì chả có vị gì.

Thế nhưng … nhà hát thì cũng gắn với ẩm thực ở khía cạnh khác. Chắc chắn là chúng ta không xách theo một chai nước tướng đến nhà hát rồi. Mà bạn cứ thử chịu đựng 5 tiếng đồng hồ (thời gian trình diễn trung bình một vở opera của Wagner) không uống nước đi. Thế thì còn gì là thưởng thức nữa! Chính vì vậy, trong các nhà hát mới có quầy bán thức ăn nhẹ và đồ uống. Và cũng vì thế nên các nhà soạn nhạc mới viết ra các … entracte trong các vở opera của mình. Bạn không nên bỏ lỡ cơ hội này – vừa để thỏa mãn nhu cầu tự nhiên của bạn, vừa để không phụ lòng các nhà soạn nhạc, nhà hát và người bán hàng.

Trước vở opera thì các chuyên gia khuyên bạn nên uống sâm panh. Nếu như sau cốc sâm panh mà bạn cảm thấy có một chút hưng phấn nhẹ dạ, thì điều này sẽ qua ngay khi dàn nhạc còn đang chơi ouverture. Nhưng nếu dàn nhạc chơi ouverture mà dở quá, thì trong máu của bạn đã có một chút vắc xin đủ để bạn không đứng dậy và cũng không thất vọng đến độ phải ra về, không chờ đến giờ nghỉ giải lao…

Còn trong giờ giải lao, khi mà bạn đã có thể tỉnh táo suy nghĩ, hoặc trao đổi ấn tượng với bạn bè, thì câu chuyện cũng nên tiếp diễn cùng với thức uống nào đó. Nhưng uống gì cho hợp với sự phát triển của vở opera? Cái này thì e là khó có câu trả lời dễ dàng. Ví dụ, nếu các giọng hát trên sân khấu quá ngọt ngào thớ lợ thì bạn không nên làm tình huống xấu đi bằng cách uống liqueur. Còn rượu vang, đặc biệt là vang đỏ lại tiềm ẩn trong mình một nguy cơ khác – trong trí óc của bạn có thể thức tỉnh chủ nghĩa hoài nghi lành mạnh quá đà – bạn bắt đầu chú ý đến những thứ vặt vãnh như là đám bụi bốc lên trên sân khấu theo đuôi áo của prima donna, hay là một anh chơi bộ gõ trong dàn nhạc đang say mê đọc tiểu thuyết ba xu, trong khi những điều quan trọng hơn lại trôi qua không được bạn chú ý.

Còn rượu vodka lại kiến cho các bình luận, suy nghĩ của bạn trở nên cay nghiệt và cực đoan – điều này không phải lúc nào cũng tốt, nhất là nếu bạn vẫn muốn nhận được chút hài lòng nào đó trong nhà hát. Rượu cognac lại có tác động khá bí hiểm – sau khoảng 200 gr cognac bạn sẽ hạ cố nhìn thấy những cây sồi – hay các lão phù thủy đang di chuyển trên sân khấu một cách vụng về, hát cái gì đó bằng một giọng đáng sợ, còn những cái cành cong queo (tay của nhạc trưởng) vẫy vùng trong cơn bão âm nhạc.

Còn tất nhiên là nếu đi xem opera thì không nên uống bia – loại thức uống này chẳng làm giàu có gì thêm cho những ấn tượng của bạn, ngoại trừ lớp bọt trắng nhẹ nhàng. Chưa kể tác dụng phụ – vào đúng những đoạn hay nhất của tổng phổ thì bạn lại phải buồn bã chờ đợi entracte!

Thế thì phải làm gì? Thì chỉ còn phương pháp thực nghiệm thôi – thử và sai. Khi đó có thể, bạn sẽ tìm được thức uống lý tưởng nhất cho Verdi hoặc Puccini, Mozart hay Wagner chẳng hạn. /.

Leave a comment